NHIỆT HUYẾT TRUYỀN NGHỀ ĐỂ GIỮ GÌN VỐN QUÝ CHA ÔNG

Ngày 15/12/2013, Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có thể nói, dòng nhạc tài tử là hơi thở, là trái tim, là tình tự của người Nam Bộ, được các nghệ nhân ĐCTT sáng tạo trong lúc diễn tấu được lưu truyền, gìn giữ và phát triển đến hôm nay, đã trở thành tình yêu, niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói riêng và của cả nước nói chung.
NSƯT Trúc Linh đang thị phạm cho học viên.(Ảnh: Nguyễn Trung Nguyên)

Để góp phần gìn giữ và phát huy vốn âm nhạc truyền thống quý báu mà ông cha đã để lại, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Cần Thơ đến du khách bè bạn gần xa, Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ đã đề ra nhiều chương trình, giải pháp thiết thực, trong số đó là việc tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ tại Bến Ninh Kiều vào tối thứ bảy hàng tuần. Phần lớn lực lượng biểu diễn nồng cốt là các đội văn nghệ quần chúng, các Câu lạc bộ ĐCTT của Trung Tâm Văn hóa thành phố và các quận, huyện (trừ Nhà hát Tây Đô là đơn vị chuyên nghiệp). Nhưng quanh đi quẩn lại thì lực lượng diễn viên phục vụ cho sân khấu này còn khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, một trong số đó là do các diễn viên chưa đủ bản lĩnh, tự tin khi đứng ca diễn trước đám đông.
Nhà Văn hóa trực thuộc Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ với chức năng nhiệm vụ tổ chức và hướng dẫn, bồi dưỡng đào tạo các lớp nghiệp vụ ngắn ngày cho đối tượng “nghệ sĩ” không chuyên, bên cạnh thường xuyên mở các lớp xã hội hóa về ĐCTT, thì cũng cần lắm sự quan tâm đầu tư của nhà nước để tìm kiếm một lực lượng trẻ kế thừa. Đáng mừng là năm 2015 vừa qua, chương trình “Sân khấu học đường” được tổ chức ở Thới Lai, Bình Thủy đã tìm ra được các tài năng tương lai cho nghệ thuật truyền thống dân tộc như: Quách Phú Thành (Long Tuyền), Bá Vạn, Vân Anh, Mỹ Chi (ở Thới Lai)...  
Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thì việc hình thành các đội nhóm ĐCTT cũng được quan tâm. Tuy nhiên, vì chưa được tập huấn, bồi dưỡng nên các “nghệ sĩ ” không chuyên còn ca diễn tự nhiên  như “cây nhà, lá vườn”.
Trăn trở về điều này, Ban chủ nhiệm - Nhà Văn hóa Trung tâm đã đến trao đổi cùng nghệ sĩ NSƯT Trúc Linh - Chủ nhiệm Câu Lạc bộ ĐCTT Tây Đô, với mục đích phát triển và nâng cao chất lượng phong trào ĐCTT trong các Câu lạc bộ ĐCTT của thành phố Cần Thơ.
Xuất phát từ tình yêu nghề và trách nhiệm, NSƯT Trúc Linh, NNƯT Trường Út, nghệ nhân Hoàng Lưỡng - những người đi trước đối với nghệ thuật ĐCTT, muốn truyền thụ lại những kiến thức, kinh nghiệm cho những ai có năng khiếu và có sự yêu thích với loại hình nghệ thuật này, để cùng chung tay gìn giữ và phát huy vốn âm nhạc truyền thống quý báu của dân tộc, như giữ hồn quê, giữ tiếng nói Việt Nam thân yêu.
Lớp truyền nghề căn bản ĐCTT đã khai giảng vào ngày 08/11/2016, và sẽ kết thúc vào ngày 24/12/2016. Buổi đầu, lớp học có 35 học viên tham dự. Lớp được các Giảng viên hướng dẫn từ thấp đến cao, từ dễ đến khó với các bài học về: tiếng nói sân khấu, giải phóng hình thể, xướng âm lồng bản một số bài bản ngắn, bài ca cải lương, các bài lý thông dụng; giới thiệu sơ qua 20 bài bản tổ tài tử, mỗi bài học từ 01 - 02 lớp : Nhóm 6 bài bản Bắc (Xuân tình chấn, Tây Thi vắn), Nhóm 7 bài bản Bắc lễ  (Xàng xê, Tiểu khúc), Nhóm 3 bài bản Nam: (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo), Nhóm 4 bài bản Oán: (Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng Lai Nghi).
Tất cả học viên đến với lớp học bằng cả tấm lòng đam mê nhiệt huyết, hòa đờn, hòa ca, bằng cả niềm ước muốn được truyền dạy cho học viên tiếp thu nhiều kiến thức và kỹ năng, thể hiện rõ ngũ cung (hò, xự, xang, xê ,cống), cảm nhận những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ĐCTT.
    Và sau khi lớp học kết thúc, chúng ta hy vọng rằng: cô, thầy và trò sẽ cùng chung tay “giữ lửa” cho phong trào ĐCTT, tích cực tham gia vào phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương; dùng nghệ thuật ĐCTT hướng con người đến chân - thiện - mỹ; yêu nước, thương quê và tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Để khi mỗi lần các nghệ nhân trình diễn, ở đâu đó dưới sân khấu ta còn nghe khán giả cùng hát theo, hay gật đầu đánh nhịp, họ thả hồn vào từng tiếng đờn, lời ca của các nghệ nhân, như một luồng gió mát, thấm vào tâm hồn nhớ về nguồn cội.
 Xin cảm ơn những người “ giữ lửa ” đem tình yêu nhiệt huyết truyền nghề  để giữ gìn vốn quý của ông cha./.
Nguyễn Thị Vỗ (TTVH)
Các bài viết khác:
Hành trình tìm về di sản trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Ô Môn - Đại đoàn kết các dân tộc, thành phố Cần Thơ lần thứ III năm 2019   (20/11/2019)
Tìm hiểu di sản văn hóa của địa phương nhân dịp khai giảng năm học mới   (20/09/2019)
Lớp bồi dưỡng công tác quản lý và phát huy di tích lịch sử - văn hóa năm 2019   (03/09/2019)
Phát hành quyển sách “Di sản văn hóa phi vật thể ở thành phố Cần Thơ”   (14/08/2019)
Hội nghị Tổng kết công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2018 - 2019 và triển khai Kế hoạch năm học 2019 - 2020   (01/08/2019)
<<    1  2  3  4  5  ...    >>